Các địa điểm được bạn trẻ chọn để Trekking thường là những khu vực núi rừng hoặc bản làng cách xa đồng bằng và thành phố, giao thông bất tiện, không có đường cho ôtô, xe máy. Bạn chỉ có thể tiếp cận bằng cách đi bộ và phải mất khá nhiều thời gian.
Những điểm đến này thường
không có tên trên bản đồ mà chỉ đi đến tận nơi du khách mới biết và khám phá ra những điều đặc biệt. Chặng đường đi trekking thường rất hoang dã nhưng cũng nhiều bất ngờ thú vị.
Ở miền núi phía bắc, Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông (Thanh Hóa) và Rừng Quốc gia Hoàng Liên (Lào Cai) là hai điểm đến được nhiều du khách nước ngoài thám hiểm nhất do những chính sách mở nhằm phát triển du lịch của chính quyền địa phương tại đây.
Các bạn trẻ có thể tự tổ chức các kế hoạch đi trekking theo các cung đường như: Na Hang - Tuyên Quang, Ba Bể - Bắc Cạn, Y Tý Bát Xát - Lào Cai, Mù Căng Chải hay Tà Sì Láng - Yên Bái… chủ yếu là các vùng rừng núi thuộc Tây bắc.
Chuẩn bị các vật dụng chung trong chuyến đi:
Lều trại, dây thừng (dù), tấm trải, túi ngủ, dao đi rừng, bật lửa, nến đốt, nồi niêu xoong chảo, siêu đun nước.
Một số thuốc men cơ bản như viên thuốc tiệt khuẩn nước, dầu gió, hạ sốt, đau bụng, kháng sinh, bông băng, thuốc đỏ, cồn y tế, kem chống muỗi, vắt.
Một số đồ ăn có thể bảo quản lâu và dễ sử dụng, nhiều năng lượng như ruốc khô, xúc xích, đồ hộp, lương khô, mỳ gói, thịt bò khô, đậu phộng rang mặn, rau khô đóng gói, bánh quy, kẹo ngọt, sô cô la, viên C sủi để tăng cường sức đề kháng và đặc biệt là café hay một chai rượu nhỏ. Số đồ dùng này sẽ được chia đều cho các thành viên trong nhóm mang.
Các đồ vật cá nhân:
Những vật dụng không nên thiếu trong ba lô của bạn là một vài bộ quần áo đi trekking (siêu nhẹ, chống mưa, muỗi, vắt), một bộ quần áo mềm để mặc đi ngủ vào buổi tối, vớ, khăn quàng cổ, mũ đội đầu, găng tay bảo hộ, đồ vệ sinh cá nhân (bàn chải, khăn mặt, dầu gội, xà bông, kem đánh răng), một đôi dép lê, áo mưa choàng, giầy đi mưa, dao cá nhân, đèn pin (tốt nhất là loại đèn đeo trán), một bộ chén (nhựa), đũa thìa và một ít đồ ăn vặt như kẹo, bánh, lương khô để ở vị trí dễ lấy nhất trong ba lô. Một bản copy về lịch trình chuyến đi hoặc bản đồ khu vực đi trekking.
Các đồ nghề khác (nếu có) rất thú vị như máy nghe nhạc Ipod hay MP3, máy định vị GPS, la bàn, máy ảnh, một cuốn sổ nhỏ và cây bút để ghi chép lại những kinh nghiệm quý báu trên đường.
Bạn nên mặc quần áo rộng rãi, thoải mái, loại có nhiều túi đựng đồ. Mùa hè, nên mặc một áo phông bên trong và một áo khoác dài tay bên ngoài để đảm bảo bạn sẽ không bị xây xước do cây rừng cào phải cũng như bảo vệ bạn không bị cảm lạnh do vã mồ hôi và gặp gió rừng. Bạn nên đi giày vải mềm, có nhiều gai để bám đường chắc. Ba lô nên dùng loại có dây đeo thắt ngang lưng để cố định không lắc lư giúp di chuyển dễ dàng.
Ba lô của bạn có thể nặng từ 5 đến hơn 15 kg tùy thuộc vào thời gian, kế hoạch và số lượng người tham gia đi trekking. Do đó, bạn phải có một sức khỏe tốt, có luyện tập vận động thường xuyên trước chuyến đi.
Di chuyển trên đường:
Di chuyển theo cự ly để có thể hỗ trợ nhau trong trường hợp có sự cố, không nên tách ra đi một mình, nhất là khi vượt suối, qua vực, đi trên đường hiểm.
Khi dừng lại nghỉ không nên tháo ba lô ra mà hãy dùng chính ba lô làm điểm tựa lưng.
Uống nước vừa phải, không nên uống quá nhiều dẫn đến chóng mệt mỏi.
Nên đến bản làng để ngủ đêm, có thể ngủ tại nhà dân địa phương, hoặc hạ trại gần nhà dân. Bạn cũng có thể nhờ dân bản (hoặc nơi nào bạn chọn đến) nấu cơm, mua thức ăn, rau xanh cho bữa tối.
Trong trường hợp cắm trại giữa rừng thì nên hạ trại khi trời còn sớm, hạ trại bên cạnh nguồn nước, đồ ăn cho bữa tối phải được chuẩn bị trước, đốt một đống lửa to và duy trì ngọn lửa suốt đêm.
Một ngày trung bình bạn có thể đi bộ khoảng 12km đến 15km.
Nghiên cứu bản đồ địa chính và địa hình khu vực định đến để lên kế hoạch phù hợp cho chuyến đi, tính toán khoảng cách di chuyển sao cho hợp lý với sức người và đề phòng không rơi vào tình huống nguy hiểm. Xem trước dự báo thời tiết để có những phương án chuẩn bị. Chuẩn bị giấy giới thiệu nếu khu vực đi trekking là vùng biên giới hoặc khu bảo tồn có sự quản lý riêng của các cơ quan chức năng chuyên ngành.